Bộ Tư pháp Mỹ cho biết phương thức tuyển sinh của ĐH Yale đã vi phạm luật dân quyền của liên bang khi đặt nặng vấn đề chủng tộc.
Theo kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, ĐH Yale phân biệt đối xử bất hợp pháp với sinh viên Mỹ gốc Á và người da trắng.Bộ cho biết chủng tộc là “yếu tố quyết định trong tuyển sinh hàng năm” của ngôi trường danh tiếng này và điều đó vi phạm luật dân quyền của liên bang. Được biết, cuộc điều tra kéo dài 2 năm xuất phát từ lá đơn khiếu nại của nhóm sinh viên người Mỹ gốc Á.
Nhóm sinh viên da màu ở ĐH Yale. Ảnh: Viv Dang. |
Eric Dreiband, trợ lý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ở bộ phận dân quyền, tuyên bố rằng ĐH Yale “dành nhiều ưu đãi mang tính quyết định” cho những ứng viên người Mỹ gốc Phi. Trong khi đó, các ứng viên người Mỹ gốc Á hoặc da trắng “chỉ có 10-25% khả năng trúng tuyển mặc dù có chứng chỉ học tập tương đương”.
Dữ liệu liên bang cho thấy 40% sinh viên ĐH Yale là người da trắng, 20% gốc châu Á, 14% gốc Tây Ban Nha hoặc Latin, 8% là người da đen và 7% đa chủng tộc. Số còn lại là du học sinh.
“Chẳng có hình thức phân biệt chủng tộc nào được cho là tốt đẹp hơn cả. Việc phân chia người Mỹ thành các khối sắc tộc một cách bất hợp pháp tạo nên sự chia rẽ và nhiều định kiến”, Dreiband nói.
Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu ĐH Yale hãy dừng việc xem xét chủng tộc hoặc nguồn gốc quốc gia ngay từ mùa tuyển sinh năm học tới. Họ sẽ đệ đơn kiện nếu trường đại học thuộc khối Ivy League này không thực hiện “các biện pháp xử lý được quy định”.
Tuy nhiên, phía ĐH Yale khẳng định sẽ chống lại lệnh này và vẫn tiếp tục quy trình tuyển sinh của nhà trường.
“Đó là một cáo buộc vô căn cứ. Vào thời điểm độc nhất này, khi mà vấn đề chủng tộc đang nhận được sự quan tâm xứng đáng, Yale kiên quyết sẽ không thay đổi cam kết ban đầu của nhà trường, đó là tạo ra môi trường giáo dục đa dạng và xuất sắc”, Hiệu trưởng Peter Salovey khẳng định.
ĐH Yale tiếp tục cam kết tạo môi trường giáo dục đa sắc tộc. Ảnh: Yale University. |
Trong thời gian qua, chính quyền Trump có những động thái chống lại chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc ở một số trường đại học danh tiếng. Những phát hiện mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ có thể gây ra ảnh hưởng sâu rộng đối với những thách thức pháp lý đang diễn ra tại các tòa án.
Trên thực tế, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết rằng các trường đại học vẫn có thể sử dụng chính sách tuyển sinh trên với mục đích giúp các ứng viên thiểu số vào đại học.
Năm 2019, thẩm phán Allison D Burroughs đã tuyên bố ĐH Harvard thắng kiện vụ việc “chèn ép ứng viên gốc Á” do nhóm Students for Fair Admissions (tạm dịch: Công bằng cho Sinh viên) đệ đơn.
“Việc tuyển sinh dựa trên yếu tố chủng tộc sẽ luôn bị chỉ trích ở một mức độ nào đó bởi những nhóm không được hưởng lợi từ quy trình này.
Nhưng điều này có thể biện minh được bằng sự quan tâm chính đáng đến vấn đề đa dạng chủng tộc và tất cả những lợi ích mà sự đa dạng trong sinh viên sẽ mang lại”, thẩm phán kết luận.
Tags:
Đời sống