Laravel và Spring Boot, nên lựa chọn framework nào để xây dựng một ứng dụng web?

Mình là một Solution Architecture và các công việc hàng ngày của mình thường là thiết kế kiến trúc hệ thống, lựa chọn các công nghệ phù hợp cho các sản phẩm công ty của mình. Mình đã làm qua khá nhiều framework, trong đó Laravel và Spring Boot là 2 framework mình hay lựa chọn nhất khi thiết kế kiến trúc cho các phần mềm của công ty mình.

Laravel và Spring Boot, nên lựa chọn framework nào để xây dựng một ứng dụng web?
Laravel và Spring Boot, nên lựa chọn framework nào để xây dựng một ứng dụng web?

Laravel và Spring Boot là 2 framework phổ biến dùng cho việc phát triển ứng dụng Web. Laravel sử dụng ngôn ngữ PHP và Spring Boot sử dụng ngôn ngữ Java. Trong bài này mình sẽ cho các bạn biết về những lợi ích, điểm hạn chế, hiệu năng của 2 framework này, từ đó hy vọng giúp ích được cho những bạn đang đắn đo trong việc lựa chọn công nghệ để phát triển ứng dụng web, cũng như có thêm kiến thức về Laravel và Spring Boot.

Laravel

1. Laravel là một framework web mã nguồn mở miễn phí, được tạo ra bởi Taylor Otwell. Laravel sử dụng kiến trúc MVC và dựa trên Symfony PHP Framework.

2. Ưu điểm của Laravel

  • Sử dụng mô hình MVC (Model – View – Controller)
  • Hệ thống xác thực (Authentication) và ủy quyền (Authorization) tuyệt vời
  • Có hệ thống tài liệu chi tiết, dễ hiểu
  • Cộng đồng hỗ trợ đông đảo
  • Tích hợp công cụ Artisan - Công cụ quản lý dòng lệnh.
  • Sử dụng composer để quản lý PHP package
  • Hỗ trợ Eloquent ORM, Query Builder, Template Engine (Blade)
  • Hỗ trợ routing linh hoạt.
  • Kiến trúc linh hoạt, mềm dẻo, dễ tiếp cận, dễ học.
  • Phát triển tính năng một cách nhanh chóng.

3. Hạn chế của Laravel

  • Cần một webserver để run: nginx, apache,...
  • Do Laravel có một cộng đồng hỗ trợ đông đảo vì thế cũng có khá nhiều thư viện được tạo ra từ các lập trình viên. Nhưng các thư viện này không được kiểm định về chất lượng và rất khó để đánh giá thư viện nào là đáng tin cậy. Vì vậy các bạn nên cẩn trọng và tìm hiểu các library trước khi sử dụng.
  • Thiếu sự liên tục giữa các phiên bản, không có chuyển đổi liền mạch từ Laravel 4 sang 5. Nếu cố cập nhật phiên bản, có thể bạn sẽ bị lỗi code và tốn kha khá thời gian để fix.

4. Performance

  • Do Laravel sử dụng PHP nên sẽ có một vài hạn chế của PHP. Hạn chế lớn nhất của PHP chính là việc không chia sẻ tài nguyên giữa các tiến trình. Khiến cho tài nguyên sử dụng (RAM, CPU, I/O connection) tăng lên rất nhanh. Điều này hoàn toàn khác xa so với những ngôn ngữ như JAVA, .NET. Do vậy khi sử dụng PHP cho hệ thống lớn thì cực khó để scale hệ thống, ngưỡng của PHP.
  • Cần có sự hỗ trợ của WebServer để tăng tốc độ xử lý.
  • PHP sử dụng cơ chế Persistent Connection để tăng tốc kết nối với DB. Persistent Connection giúp cho việc khi một request được hoàn thành thì kết nối DB tạo ra bởi Request đó không được “đóng” mà lại được tiếp tục sử dụng ở request tiếp theo. Điều này giúp giảm thời gian kết nối với DB. Tuy nhiên khi Request chưa dừng thì kết nối này không được share với một request khác (cho dù ở thời điểm hiện tại, request đó không thao tác DB đi nữa). Điều này dẫn đến nếu PHP phải xử lý 100 request đồng thời thì cần có 100 kết nối đến Database (nếu tăng lên 1000 thì số đó là 1000). Việc này dẫn đến việc hao tốn tài nguyên Server.
  • Mình có nghe nói LoadRunner và Swoole là 2 công nghệ khá tốt để tối ưu PHP, bạn nào có kinh nghiệm thì chia sẻ bên dưới để cùng học hỏi nhé.

5. Laravel phù hợp với những dự án

  • Các hệ thống về CMS
  • Không quá phức tạp về mặt xử lý tính toán
  • Số lượng truy cập vừa phải
  • Logic dự án không quá phức tạp

Spring Boot

1. Spring Boot là một framework dựa trên Java mã nguồn mở được giới thiệu bởi bởi Pivotal Software, Inc. Nó đã trở thành một framework phổ biến để xây dựng ứng dụng web do quá trình phát triển tiết kiệm về thời gian và không phức tạp.

2. Ưu điểm của Spring Boot

  • Phát triển web một cách đơn giản và nhanh chóng.
  • Đã tích hợp sẵn Webserver bên trong. Vì vậy sẽ Spring Boot giúp các lập trình viên tập trung tốt hơn đến mục tiêu viết code của mình thay vì phải lo nghĩ nhiều đến các kỹ thuật như deploy, webserver. Khi code xong, bạn chỉ cần build ra file .jar và run trên server là bạn đã có ngay một ứng dụng web của mình.
  • Chứa nhiều library bên trong nên có khá nhiều đồ nghề cho các bạn sử dụng.
  • Vì Spring Boot sử dụng Java nên cấu trúc code rất chặt chẽ.
  • Tính bảo mật cao.
  • Dễ dàng truy cập cơ sở dữ liệu và các dịch vụ hàng đợi như MySQL, Oracle, MongoDB, Redis, ActiveMQ và các dịch vụ khác.
  • Cộng đồng lớn và rất nhiều hướng dẫn
  • Tài nguyên được chia sẻ giữa các tiến trình trong Spring Boot

3. Hạn chế của Spring Boot

  • Thiếu sự kiểm soát. Spring Boot tạo ra rất nhiều Dependencies nhưng rất ít trong số chúng được sử dụng.
  • Cấu trúc code rất chặt chẽ. Vì vậy sẽ không phù hợp với những bạn thích phong cách code mềm dẽo, linh hoạt.
  • Cần tốn nhiều thời gian để lĩnh hội hết kiến thức Spring Boot.
  • JVM tăng đáng kể thời gian thông dịch và biên dịch code. Không giống như C++, mã nguồn được dịch trực tiếp sang mã máy.
  • Nếu có bất kỳ sự cố nào trong lúc vận hành, thì có thể ảnh hưởng đến các chức năng khác của ứng dụng.
  • Nếu bạn chưa vững kiến thức về OOP, Dependency Injection, ORM thì sẽ rất khó tiếp cận Spring Boot.

4. Performance

  • Với Spring Boot, bạn có thể xây dựng các ứng dụng có thể mở rộng vì nó linh hoạt và có khả năng xử lý song song.
  • Vì Spring Boot sử dụng Java nên Spring Boot vẫn có MultiThread. Giúp Spring Boot xử lý các tiến trình nặng một cách mạnh mẽ và linh hoạt.
  • Các tiến trình của Spring Boot chia sẻ tài nguyên với nhau, nên những phần việc memory cache rất đơn giản.
  • Sử dụng Connection Pool để quản lý kết nối với DB. Connection Pool đảm bảo chỉ có tối đa x Connection đến DB được tạo ra (x do Developer set được). Điều này giúp Spring Boot kiểm soát được số kết nối đến DB, qua đó đảm bảo được performace của DB.
  • Khi chạy, Spring sẽ khởi tạo môi trường, load toàn bộ classes lên. Vì vậy mỗi khi có 1 request đến, Spring Boot sẽ không cần khởi tạo lại môi trường cho request. Điều này giúp tăng hiệu năng xử lý.

5. Spring Boot phù hợp với những dự án

  • Phù hợp với các dự án cho các doanh nghiệp lớn
  • Yêu cầu realtime, cực kỳ nhiều kết nối với thời gian xử lý cực nhanh
  • Sử lý số lượng rất lớn request với logic rất phức tạp
  • Cần xử lý Data lớn, các bài toán Big Data.

Kết hợp Laravel và Spring Boot

Laravel và Spring Boot có những điểm mạnh, điểm yếu riêng:

  • Laravel có thể phát triển ứng dụng web một cách nhanh chóng. Cơ chế Authentication linh hoạt, mạnh mẽ và bảo mật.
  • Spring Boot mạnh mẽ về hiệu năng nhưng khó tiếp cận hơn.

→ Vậy tại sao ta không kết hợp 2 framework này lại với nhau. Khi kết hợp 2 framework này lại với nhau sẽ tạo ra 1 hệ thống website mạnh mẽ và độ linh hoạt cao. Sử dụng Laravel để phát triển giao diện người dùng và xử lý các logic cơ bản. Dùng Spring Boot xử lý các tác vụ nặng, các tác vụ cần chạy ngầm. Nhưng cái khó là làm sao đồng bộ được DataFlow khi đi qua từng Framework và đảm bảo bảo mật.

Chia sẻ bởi:
Trần Chí Linh

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Google News

Anti adblock

Context Menu