Sinh con và đứa trẻ phải hiểu chuyện

 Nghèo thì sống kiểu nghèo, ngày xưa các cụ cũng nghèo nhưng

vẫn sống tốt đấy thôi, nếu không đẻ thì sau này xã hội toàn người già à

Đây là quan điểm thường thấy ở những người phê phán xu hướng “lười đẻ”, với nhiều cách diễn đạt khác nhau, điểm chung trong những quan điểm này là người trẻ bây giờ quá chạy theo vật chất, ích kỷ,  không có trách nhiệm với xã hội. Họ dùng luận cứ là ngày xưa nghèo nhưng những đứa trẻ nghèo ngày xưa bây giờ vẫn trưởng thành và thành công. Nếu ai cũng đợi giàu mới đẻ thì biết bao nhiêu, biết bao giờ mới là giàu.

Tuy nhiên, mình chợt nhận ra rằng toàn bộ những comment trên mạng xã hội dưới các bài đăng về chủ đề sinh con này đều là của người lớn. Khi đọc những ý kiến như trên, mình vừa thấy đúng nhưng đồng thời trong đầu mình lại vang lên suy nghĩ “Đứa trẻ đâu có chọn được sinh ra”. Đứng trước mâu thuẫn ấy, mình thấy rằng chúng ta đều đang bàn luận về vấn đề theo góc nhìn của người trưởng thành và hiếm thấy ai đứng từ điểm nhìn của đứa trẻ. 

Trong một lần mình xem bài đăng về đề tài người trẻ ngại sinh con vì áp lực tài chính trên tiktok, ở phần bình luận, một bạn nữ nói rằng nếu không có kinh tế thì rất tội cho đứa con vì bạn ấy đã lớn lên trong nghèo khó, cha mẹ ly hôn nên bạn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm đối với bạn nữ này, và cũng nhiều người thì có quan điểm ngược lại. Mình vẫn nhớ một comment phản hồi lại bạn nữ kia có đại ý rằng:

Con người không ai được lựa chọn cuộc đời thế nào, nếu khó khăn chúng ta phải mạnh mẽ và bước tiếp.

Lời bình luận đó quả thực rất có ý nghĩa bởi đúng là chúng ta phải lạc quan, kiên cường đối diện với cuộc sống dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng mình thấy thực sự khó hiểu, câu nói ấy hệt như những câu văn mình viết vào bài văn nghị luận xã hội khi còn học phổ thông trong khi mình cũng chẳng thực sự trải nghiệm đủ để hiểu. Vậy chẳng phải nếu đẻ con khi mà chưa sẵn sàng về kinh tế, người lớn đang buộc những đứa trẻ phải hiểu triết lý kia từ khi mới mấy tuổi hay sao?

Ồ vậy là nếu nhà khó khăn thì phải hiểu chuyện… 

Mình cho rằng mọi đứa trẻ sinh ra đều giống nhau, chúng ngây thơ, không có kinh nghiệm sống, cần được chú ý và dễ bị tổn thương. Vậy có công bằng không nếu ta bắt một đứa nhóc 7 tuổi vẫn đang khám phá về thế giới này hiểu về những triết lý lạc quan, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh kia trong khi đáng ra nó có thể có một tuổi thơ phong phú và êm ấm hơn. 

Chắc chắn sẽ có người phản bác lại mình rằng ngày xưa họ cũng sống trong khó khăn, và họ cảm ơn quãng thời gian khó khăn đó đã dạy họ trở thành những người cứng cáp, chững chạc, mạnh mẽ. Mình thấy những người như vậy là những người may mắn, không phải may mắn vì họ sinh ra trong nghèo khó mà may mắn vì họ có khả năng tìm được cách ứng xử với cuộc sống. Nhưng nếu một đứa trẻ nào đó có tâm hồn mong manh yếu đuối hơn họ thì sao? Nếu đứa trẻ ấy cảm thấy tủi thân, thiệt thòi thì sao? Vậy họ có nói rằng tất cả là do đứa trẻ ấy yếu ớt và không biết cách tìm niềm vui cuộc sống?


Có lẽ, chúng ta đã vô tình (hoặc cố tình) xem nhẹ cảm xúc của trẻ em cũng như đánh đồng tất cả trẻ em đều cá tính mạnh, kiên cường, lạc quan và nghiễm nhiên hiểu chuyện như người lớn. Bây giờ, bạn nhìn lại cuộc sống khó khăn ngày xưa và bạn thấy mọi thứ đều ổn. Giống như mình đã nói ở trên, bạn thật may mắn. Nhưng đó chỉ là may mắn cho chính bạn mà thôi, không phải con bạn cũng sẽ thế. Giả dụ như đến bây giờ bạn vẫn chưa sẵn sàng về tài chính mà đã sinh con, sau đó đứa con của bạn phải chịu thiệt thòi, rồi bạn hợp lý hóa sự thiếu chuẩn bị ấy bằng cách bắt con bạn hiểu chuyện và nếu nó không hiểu được thì là lỗi của nó? 

Hiểu cả những tổn thương tâm hồn

Tiền bạc chưa chắc là lý do duy nhất nhưng luôn góp mặt trong danh sách nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột. Gánh nặng tài chính, áp lực công việc cùng với sự thiếu suy xét trong cách ứng xử khiến cho chúng ta luôn tự cho mình quyền nổi cáu với những người thân yêu. Điều này càng đúng trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con nhỏ. Bản thân mình vào những ngày mệt mỏi vì học tập hay công việc, chỉ cần ai đó để xe máy trong nhà xe không thẳng hàng thôi cũng đã làm mình nóng đầu bừng bừng. Những người làm cha mẹ vào những ngày như vậy về nhà thấy con mình đang nghịch ngợm bừa bộn xong quấy khóc ầm ĩ thì nổi giận cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với một đứa trẻ, nghịch ngợm có là sai không? 


Chúng ta nên học cách cân bằng trong cuộc sống và bày tỏ cảm xúc với người khác. Sau này, khi con cái ta lớn lên, chúng cũng sẽ biết cách chia sẻ với ta thay vì cáu bẳn. Và quan trọng hơn, con của con ta sẽ không phải " miễn cưỡng hiểu chuyện" nữa.


Nhiều trường hợp cha mẹ vì muốn đứa con “im cho bố mẹ yên” một

lúc nên cho con mình chơi điện thoại hay xem tivi quá nhiều (mình nhấn mạnh là xem quá mức), đến giờ thì cho ăn, đến lúc đi học thì cho đến trường. Theo mình, đây là biểu hiện của một sự vô tâm. Cha mẹ sinh con ra là đi cùng trách nhiệm phải nuôi nấng không chỉ về vật chất mà còn bồi đắp về tinh thần cho con. Bố mẹ trong trường hợp này lại cho con chơi điện thoại, ăn bim bim và uống coca cả ngày để con ngồi ngoan. Hậu quả của hành động đó rất nghiêm trọng, béo phì, cận thị, chậm nói, thiếu kĩ năng giao tiếp, tuổi thơ thiếu liên kết tình cảm với cha mẹ, … Là do bố mẹ đã quá mệt mỏi với cuộc sống nên không còn sức để chơi với con hay do họ thiếu kĩ năng và trách nhiệm? 


Chúng ta – người lớn – nên làm gì?

Mình không khẳng định giàu chắc chắn sướng, nghèo chắc chắn khổ nên nghèo thì đừng đẻ. Mình cũng không đưa ra tiêu chuẩn rằng thế nào là giàu thế nào là nghèo. Theo mình, trước khi đảm nhận vai trò  cao cả là làm bố mẹ chúng ta nên chắc chắn về một số tiêu chí tối thiểu sau mà chúng ta chắc chắn có thể gánh vác được: 

- Thức ăn (Không cần quá ngon nhưng phải đủ dinh dưỡng)

- Nhà ở 

- Tiền học trường công

- Tiền thuốc/bệnh viện với những bệnh cơ bản

- Tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu và kiên nhẫn

- Sự hiểu biết (đặc biệt là các vấn đề sức khỏe cần phải tìm hiểu kĩ thay vì xem trên mạng xã hội rồi tin sái cổ)

- ….



Đây chỉ là một số tiêu chí mà mình đưa ra theo quan điểm cá nhân. Sẽ thật đáng buồn nếu một người nào đó hỏi rằng: Tôi chỉ thực hiện một gạch đầu dòng trong số kia được không, ví dụ như kiếm tiền thì thôi chăm sóc hoặc ngược lại? Theo mình, làm cha mẹ là một việc thiêng liêng và không dễ dàng. Chúng ta – trong vai người lớn – chắc chắn không thể 10 điểm ngay từ đầu nhưng hãy luôn cố gắng để trở thành người cha người mẹ tốt hơn. Và việc đầu tiên cần làm trong quá trình cố gắng đó chính là suy nghĩ thật kỹ!

Ghi chú: Hình ảnh trong bài là do mình minh họa.

Tác giả 07114869 đăng tại Spiderum

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Google News

Anti adblock

Context Menu