Gần 50 năm trước, Việt Nam là quốc gia thứ 3 thế giới và đầu tiên của châu Á chế tạo thành công thiết bị này, lập nên kỳ tích của ngành Công nghệ thông tin

Trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận, gần như biệt lập với các nền khoa học tiên tiến, các nhà khoa học Việt Nam đã làm nên một kỳ tích chưa từng có.


Đầu năm 1977, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công và những cộng sự tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp Alain Teissonnìere, đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam. Chiếc máy mang tên VT80.

Đây là chiếc máy vi tính thứ 3 trên toàn thế giới, đồng thời cũng là chiếc máy vi tính đầu tiên của châu Á vào thập niên 70. Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Chí Công

Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, VT80 không chỉ là máy vi tính đầu tiên của Việt Nam mà còn có thể coi là chiếc máy vi tính đầu tiên của cả châu Á, vì tại thời điểm đó, Nhật Bản mới chỉ chế tạo những loại máy tính lớn. Đây là một thành tựu lớn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới chế tạo thành công máy vi tính, sau Mỹ và Pháp.

VT80 được làm nên bởi những vật liệu đầu tiên do chuyên gia Alain Teissonnìere mang từ Pháp sang Việt Nam. Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Chí Công
Tiến sĩ Công chia sẻ, ngoài các chip mua từ nước ngoài, hầu hết bộ phận của VT80 được làm thủ công ở trong nước. Các kỹ sư cưa vỏ máy bằng tay rồi lấy dũa mài vuông vắn, dùng công tắc đưa từng bit dữ liệu vào thay thế cho bàn phím lúc ấy chưa có. Thậm chí sau này, màn hình còn được chế tạo từ chiếc tivi Neptune trắng đen do Việt Nam lắp ráp theo thiết kế Ba Lan.
Chiếc máy tính được chế tạo bởi nhóm các nhà khoa học Việt Nam tuổi đời dưới 30

VT80 được xây dựng theo kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm chip, gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng bảng điều khiển, vỏ máy, nguồn điện. Máy sử dụng chip Intel 8080A nên có tên gọi VT80.


Thời gian nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, căn chỉnh đều rất ngắn; điện thì không ổn định, có thể bị cắt bất kỳ lúc nào. Cả nhóm nghiên cứu lại chưa từng được sờ đến những chip hiện đại như thế, chỉ sợ hỏng do tĩnh điện hoặc sốc điện. Mặt khác, phải thực hiện mấy bìa RAM mới được vỏn vẹn vài KB.


Ngoài ra, hệ phát triển cũng chưa có nên phải dịch thủ công các trình điều khiển (Monitor), Assembler và Debugger, rồi nạp trực tiếp từng bit trên hàng nghìn diode mắt muỗi và điện trở.

Lập trình và sửa lỗi đặc biệt tiêu tốn thời gian vì phải dùng ngôn ngữ Assembly hoặc thậm chí mã máy, lại chẳng có máy in nào giúp cho mắt đọc, tay viết… Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Chí Công

Vượt qua nhiều khó khăn, các nhà khoa học đã thành công chế tạo ra chiếc máy vi tính đầu tiên. Thời gian hoàn thiện chiếc máy tính chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 12/1976 đến 1/1977.

Chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Chí Công

Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời với vài chương trình cơ bản, song lại chưa có phần mềm ứng dụng.


Ông Nguyễn Chí Công tâm sự: “Cái máy tính trước mặt khi chưa có hệ điều hành giống như một hình nhân chưa có linh hồn, chúng tôi phải viết bằng được phần mềm để thổi sức sống vào trong nó.


Lúc đó chưa có PC, cũng chẳng có mấy thông tin từ nước ngoài, nghe đài BBC còn phải nhìn quanh vặn khẽ. Vì thế phải tự mày mò viết hệ điều hành riêng. Nhưng tự biết là còn dốt nên bọn tôi không dám đề là hệ điều hành, chỉ dám đề là hệ thống phần mềm Basic Đồi Thông rồi sử dụng nó để viết phần mềm ĐT82 phục vụ quản lý vật tư cho các xí nghiệp”.


Mấy tháng sau khi chế tạo thành công VT80, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công được chọn sang Pháp để thực tập về vi xử lý. Trong thời gian vài tháng, ông tranh thủ tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng xây dựng dòng máy vi tính VT8X.


Chiếc máy tính thứ hai có ổ đĩa mềm, màn hình và bàn phím với bộ vi xử lý mạnh hơn.


Đáng tiếc, dù đạt được những thành tựu lớn trong giai đoạn đầu, nhưng đến nay, nước ta đã không có một ngành sản xuất máy tính mà đáng ra nó phải có, thậm chí là thuộc những quốc gia đi đầu trong sản xuất máy tính.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Google News

Anti adblock

Context Menu